Diễn biến Vụ_hạ_giàn_khoan_Hải_Dương_981

Ngày 2 tháng 5 năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa bằng một đội tàu hải quân. Ngày 3 tháng 5, Cục Hải sự Trung Quốc đăng cảnh báo tàu thuyền trong ba tháng không tiếp cận phạm vi bán kính 1 hải lý quanh giàn khoan. Phạm vi này được tăng gấp ba lên 3 hải lý từ ngày 5 tháng 5 sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối.[4]

Ngày 18 tháng 6 năm 2014, theo trang web Cục Hải sự Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 xuống Biển Đông từ ngày 18 đến 20 tháng 6.[22] Thông báo của website này nói giàn "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) từ ngày 18 tới ngày 20-6 sẽ được tàu lai dắt kéo từ tọa độ 17°38' vĩ Bắc, 110°12'3" kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17°14'6" vĩ Bắc, 109°31' kinh Đông trên Biển Đông.[23]

Lực lượng Việt Nam

Việt Nam đã cử 29 tàu bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định "thiết lập vị trí cố định". Ngoài ra còn có hàng chục tàu đánh cá bằng gỗ tuy không phải nằm trong lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng lại có liên quan mật thiết tới sự kiện hạ giàn khoan Hải Dương 981.

Ngày 9 tháng 5, trong một họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc thừa nhận là có dùng các vòi phun nước nhưng cho là vì phía Việt Nam từ ngày 3 tháng 5 đã khiêu khích, cố ý đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần.[24]

Theo bài China vs. Vietnam: A campaign for publication relations đăng trên trang mạng của Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông làm việc dưới sự hướng dẫn về chính trị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho tới ngày 16 tháng 5 Việt Nam đã đưa tới hơn 60 chiếc tàu đủ loại tới khu này, đâm 500 lần vào các tàu bè của Trung Quốc.[25]

Chiều ngày 17 tháng 5, 1 tàu cá của ngư dân Lý Sơn lúc đang đanh cá tại vùng biển Việt Nam cách giàn khoan của Trung Quốc khoảng 20 hải lý, thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và cướp hết tài sản.[26] Trưa 18 tháng 5, tàu cá QNg90205TS với 14 ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng ngư chính Trung Quốc chặn lại và hai ngư dân bị hành hung.[27]

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục cấm ngư dân Việt Nam đánh cá tại vùng gần vị trí đặt giàn khoan và trong vùng Đường 9 đoạn.[28]

Ngày 26 tháng 5, phía Việt Nam nói khoảng 40 tàu Trung Quốc đã bao vây và 'đâm chìm' một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, ở khu vực nam-tây nam cách giàn khoan 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.[3][29] 10 ngư dân trên tàu đã được cứu sống. Tân Hoa xã ngày 27 tháng 5 đã cho rằng, tàu đó do quấy rối 1 tàu cá Trung Quốc nên mới bị đâm, đồng thời cho biết chính phủ Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính phủ Việt Nam.[30]

Lực lượng Trung Quốc

Đến 12h30'ngày 7 tháng 5 năm 2014, số tàu Trung Quốc được huy động lên tới 80 chiếc các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính; cùng nhiều tàu vận tải, tàu đánh cá bằng thép. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.

Trong quá trình hoạt động, một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã xâm nhập vào vùng biển cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý.

Theo báo cáo từ phía Việt Nam cho biết phía Trung Quốc từ ngày 2 cho tới 7 tháng 5 đã dùng những tàu chiến đâm húc nhiều lần và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư Việt Nam. Có sáu Kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính văng vào gây thương tích phần mềm.[31][32] Nhưng trong cuộc họp báo ngày 8 tháng 5, Trung Quốc tố cáo Việt Nam đã huy động 36 tàu các loại và chủ động đâm vào tàu Trung Quốc tổng cộng 171 lần từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 5.[33]

Theo một bài đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 8 tháng 6, Việt Nam đã khiêu khích bằng cách đưa người nhái và những thiết bị dưới nước vào khu vực để thả một lượng lớn các chướng ngại vật, bao gồm lưới đánh cá và các vật nổi trong khu vực biển. Tính đến 5 giờ chiều ngày 7 tháng 6, đã có đến 63 tàu thuyền Việt Nam trong khu vực vào thời điểm cao độ nhất để tìm cách chọc thủng tuyến bảo vệ của Trung Quốc và đâm vào các tàu của chính quyền Trung Quốc với tổng cộng 1.416 lần.[34]

Ngày 8 tháng 5 năm 2014, theo như Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đã có thêm hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 753 và tàu hộ vệ tên lửa 534 của Trung Quốc hoạt động tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Ngày 15 tháng 5 năm 2014, theo lực lượng Kiểm ngư Việt Nam số tàu Trung Quốc đã tăng lên 99 tàu gồm: 38 tàu chấp pháp, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các máy bay tuần thám.[35]

Ngày 15 tháng 5 năm 2014, trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tướng Phòng Phong Huy cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và bảo vệ giàn khoan dầu Hải Dương-981. Theo ông Phòng vị trí đặt giàn khoan nằm bên trong lãnh hải Trung Quốc.[36]

Ngày 16 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc tăng số tàu hiện diện tại khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 lên 126 tàu.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_hạ_giàn_khoan_Hải_Dương_981 http://www.dfat.gov.au/media/releases/department/2... http://www.international.gc.ca/media/aff/news-comm... http://usa.chinadaily.com.cn/world/2014-06/13/cont... http://bbs1.people.com.cn/post/1/1/2/139180994.htm... http://news.sina.com.cn/pl/ng%C3%A0y http://vietnamese.cri.cn/421/2014/05/09/1s198575.h... http://vietnamese.cri.cn/421/2014/05/09/1s198575.h... http://vietnamese.cri.cn/421/2014/05/16/1s198808.h... http://www.globaltimes.cn/content/867268.shtml http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/fyrbt_602243/t1155...